10/25/14

3 món hủ tiếu ngon, lạ, hiếm của người Hoa ở Sài Gòn

(Diemanuong365) - Nếu nói đến hủ tiếu, chắc chắn những người Việt sành ăn sẽ không bao giờ quên kho tàng hủ tiếu phong phú, đặc sắc của người Hoa.


Từ xưa đến nay, hủ tiếu người Hoa nổi tiếng khắp Nam kì lục tỉnh. Mỗi loại hủ tiếu đều có hương vị độc đáo riêng, để từ đó, làm nên một bản sắc riêng cho ẩm thực người Hoa tại Việt Nam. Hủ tiếu Hoa xuất hiện ở đất Sài Gòn cùng sự nhập cư của người Tiều (Triều Châu). Họ gọi là cổ chéo (hủ tiếu), nghĩa gốc: bánh sợi. Món ăn ban đầu được chế biến khá đơn giản: hủ tiếu tươi làm từ bột gạo ăn với nước hầm xương ống heo, thịt heo xắt lát hay băm nhuyễn, thêm chút hành, hẹ, giá…Món ăn đơn giản như vậy thôi nhưng cũng khiến nhiều thực khách thỏa lòng.

Trong kho tàng hủ tiếu, người Hoa có ba món hủ tiếu khiến người ta ấn tượng và nhớ mãi không bởi cách chế biến "ngon" cũng như cái "lạ" về hương vị mà còn "hiếm" nơi bán của các món ăn mang lại. Đó là món hủ tiếu cá, hủ tiếu sa tế và hủ tiếu bột lọc.

Món hủ tiếu cá

Đây là món ăn thành danh của người Hoa. Sợi hủ tiếu ở đây có sợi mềm như bánh phở nhưng bản to gấp đôi. Cá dùng để chế biến là cá lóc tươi, đã bỏ xương làm sạch và lóc thịt, thái lát, ướp chút muối, hạt nêm.


Đặc trưng của hủ tiếu cá là nồi nước lèo. Nước lèo được nấu từ xương lợn, phải là xương ống có tủy để khi hầm nước có vị ngọt đậm đà, nước lèo cũng sẽ trong hơn. Gia vị nêm nước lèo ngoài những loại phổ biến còn có một gia vị đặc biệt là tăng xại (hay còn gọi là cải nặm). Khi ăn, tô hủ tiếu rắc thật nhiều tiêu. Cái ngon của hủ tiếu cá là ở hương vị. Nó vừa có vị ngọt của cá, lại vừa thoang thoảng mùi mực khô và xương hầm.

* Địa chỉ tham khảo: Hủ tíu cá Nam Lợi - Số 43 Tôn Thất Đạm, Phường Bến Nghé, Quận 01. (Giá 70,000 đ/ tô)

Hủ tiếu bột lọc

Chỉ lạ ở một thứ duy nhất: Sợi hủ tiếu làm bằng bột lọc. Sợi hủ tiếu to vừa phải, dai mà vẫn mềm, không giống miến cũng chẳng giống bánh canh. Chính cái dai dai của hủ tiếu bột lọc khiến người ta ăn xong rồi mà vẫn thấy thòm thèm.


Loại hủ tiếu này đòi hỏi cao kỹ thuật trụng/nấu của người bán, Cụ thể ngâm bao lâu trong nước lạnh để cọng hủ tiếu nở vừa đủ và trụng nước sôi như thế nào để nó không bị nát.

Hiện tại ở Sài Gòn có hai quán kinh doanh hủ tiếu bột lọc. Một là hủ tiếu cật trên đường Trương Định. Một là hủ tiếu sườn Vĩnh Long trên đường Phạm Viết Chánh.

* Địa chỉ tham khảo: 11 Phạm Viết Chánh, Q. 1 và 62 Trương Định Q. 1.

Hủ tiếu sa tế

Nghe đến sa tế là đã cảm nhận được vị cay xé lưỡi và sự đặc sắc của mùi vị nước lèo của món hủ tiếu này. Nước lèo phảng phất mùi sa tế, hương tỏi, sả, hồi, quế, đậu phộng băm nhuyễn…Chính hương vị ấy đã tạo nên điểm nhấn khiến người ăn có cảm giác đang thưởng thức một món phở lạ miệng.



Hủ tiếu sa tế thường được nấu với thịt nai hay thịt bò, đôi khi là lòng heo. Song thường thấy và được đánh giá cao nhất là hủ tiếu sa tế nai - loại thịt có vị ngọt vượt trội.

* Địa chỉ tham khảo: Hủ tiếu Vân Ký, 144 Cao Văn Lầu, P. 2, Q. 6; 9 Dương Đình Nghệ, P. 8, Q. 11; 52 Ngô Đức Kế, P. Bến Nghé, Q. 1.

Hủ tiếu của người Hoa không chỉ khiến thực khách biết đến mà còn giúp làm phong phú thêm kho tàng món ăn các dân tộc Việt Nam.

(Tổng hợp)

2 comments:

  1. Hủ tiếu người Hoa ăn ngon nhưng mà món nào cũng béo, ăn ko quen sẽ thấy ngán lắm.

    ReplyDelete
  2. Món nào cũng cái nhỉ ^^. Cay mới ngon ráng ăn mới được

    ReplyDelete

Chúng tôi luôn theo dõi nhận xét của các bạn.

- Những nhận xét có nội dung xấu, từ ngữ thô tục, mang tính kỳ thị, liên quan đến chính trị, phản động hay đặt link quảng cáo sẽ bị chúng tôi xóa khỏi trang web mà không cần thông báo trước.
- Vui lòng ghi bình luận có dấu tiếng Việt để tránh gây hiểu nhầm cho các đọc giả khác.

Cám ơn các bạn đã ghé thăm Điểm Ăn Uống 365.